Sức Khỏe

Đại dương đen – Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm

Tui đã không mấy quan tâm, không hề biết trầm cảm nó phổ biến, bế tắc và trần trụi đến thế nào cho đến khi tui đọc cuốn “Đại dương đen” của bác ĐHG. Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng tới 1/3 phụ nữ sinh đẻ ở các bệnh viện HCM có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, trong 5 người có 1 người có ý định tự sát rõ ràng. Phụ nữ mắc trầm cảm nhiều gấp đôi nam giới, 30% dân số VN có dấu hiệu rối loạn thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong 6 sinh viên Y khoa VN thì có 1 người có đủ dấu hiệu của trầm cảm, một nửa trong số đó có ý tưởng tự sát. Nếu bạn có 1000 người bạn trên Facebook thì trong năm qua, có 70 trong số đó mắc bệnh trầm cảm. Trong cả đời người, cứ 5-6 người thì sẽ có 1 người bị trầm cảm tới thăm. Ủa có thiệt không? Tại thấy ai trong list bạn tui thấy cuộc sống cũng ổn hết.
Lâu lâu bạn bè vào comment hoặc nhắn tin bảo “Thấy mi hạnh phúc quá” “Ganh tị quá” “Sướng quá” “Nhất nàng”… Nhưng thật ra chắc chỉ vài người biết tui đã có thời gian đen tối mệt mỏi vật vã đến thế nào khoảng 2 năm đầu qua Hàn mặc dù trên Face tui cũng chỉ show ra những điều vui vẻ trong cuộc sống. Còn những mặt khuất, đăng lên face thì có ai giúp được tui đâu. Tui đã khó khăn để vượt qua thế nào chắc chỉ có chồng tui là người chứng kiến và thấu hiểu nhất, trong khi ổng lo cho tui quá sức đầy đủ không thua kém ai cái gì. Nhưng được cái mình không buông xuôi, lúc buồn thì cứ đối diện, nhưng đừng để cảm xúc đó kéo dài quá lâu, tinh thần mà không khỏe thì thể chất cũng không khỏe theo và ngược lại. Đứa trẻ bên trong bạn, đừng chối bỏ nó, chấp nhận, thấu hiểu thực sự có khả năng chữa lành. Trong khoảng thời gian dài đó, tui cố gắng tìm hiểu về con người bên trong mình, cố gắng suy nghĩ tích cực, yoga, đọc sách, đi ra ngoài với thiên nhiên và học một cái gì đó mỗi ngày, cái gì cũng được miễn là có giá trị. Thứ có giá trị không nhất thiết phải là thứ kiếm ra tiền.
Thứ giúp tui vượt qua là học cách biết chấp nhận, biết cách enjoy cái cuộc sống hiện tại của mình, nên giờ dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, 2-3 ngày đầu tui sẽ tập trung để buồn, sẽ khóc lóc ỉ ôi cho thỏa sức rồi tui sẽ quyết định chấp nhận. Kể từ giây phút mình chấp nhận, cái đầu và cái thân tui như trút được cả tảng đá và tự nhiên thấy vui trở lại. Đó là cách tui đối diện với bao nhiêu bão giông =)). Chứ Thời gian đó ngày nào đêm nào trong đầu tui chỉ có suy nghĩ muốn về VN thôi, nơi tui thấy an toàn nhất và tui dễ phát triển nhất. Giờ sau 4 năm, khi mọi thứ dần qua đi, tui lại bắt đầu muốn sống ở Hàn, ở cái đất Busan này rồi.
Lâu lâu nói chuyện tâm sự với ai đó, tui đều kêu tui đã có khoảng thời gian gần như trầm cảm hồi mới qua Hàn, mặc dù tui cũng không biết đó có thật sự là trầm cảm hay không. Nhưng mà sau khi đọc cuốn “đại dương đen”, tui không còn dám gọi đó là trầm cảm nữa.
Chúng ta hay quen miệng dùng chữ trầm cảm để chỉ trạng thái chán chường trong một ngày mưa, sự cô đơn trong một tối thứ bảy hay thất vọng khi bị thi trượt. Nhưng chỉ ai thực sự trải qua nó, mới biết nó trần trụi thế nào, rất may là tui còn chưa biết huhu
Khả năng chịu đựng stress của mỗi người là một cái thùng. Người có khả năng trầm cảm cao là người đã có sẵn nhiều thân gỗ (gene bất lợi cha mẹ đã từng bị trầm cảm, trải nghiệm tuổi thơ khó khăn, mất người thân sớm, chứng kiến bạo lực gia đình, bị xâm hại, kinh tế gia đình khó khăn, đổ vỡ tình cảm…). Anh sẽ không còn nhiều chỗ cho những sự kiện gây áp lực mới trước khi cái thùng của anh đầy. Bởi vậy đừng chỉ trích ai những câu như “Có tí vậy mà cũng làm om sòm” “Mày con trai mà yếu vậy?”
Please, trầm cảm là bệnh, cần được chữa trị giống y như ung thư, viêm phổi khác. Khi thấy ai đang mệt mỏi, đừng chỉ trích, đừng thờ ơ. Hãy lắng nghe chân thành và đưa họ đến bác sĩ. Đừng thờ ơ với sức khỏe tinh thần của bản thân mình, cũng đừng thờ ơ với stress của người bên cạnh. Ở xã hội hiện tại, trầm cảm và các bệnh liên quan đến tinh thần có sức công phá khủng khiếp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Những bài viết liên quan

Nút quay lại đầu trang